Những yếu tố tạo nên hiệu quả trị liệu Tâm_lý_trị_liệu

Nhiều yếu tố giúp tạo nên hiệu quả của tâm lý trị liệu đã được nghiên cứu và thừa nhận như bản chất mối quan hệ trị liệu (Goldstein; 1962), sự hữu dụng của lời nói (Bernstein; 1965), lòng tin của người bệnh (hoặc thân chủ) đối với nhà trị liệu (Frank; 1961). Tuy vậy, tác động thực sự của tâm lý trị liệu vẫn còn là điều gây nhiều tranh cãi mãi cho đến hiện nay. Một trong các nghi vấn đó là liệu các cách thức chữa trị bằng lời nói có thực sự chữa trị được các chứng rối loạn tâm trí?

Trong thực tế, việc tranh luận về hiệu quả của tâm lý trị liệu phần lớn xảy ra trong giới chuyên môn, ngay cả giữa những người thực hành tâm lý trị liệu thuộc các trường phái và xu hướng khác nhau. Đánh giá thích hợp nhất sẽ có được, nếu tác động của tâm lý trị liệu được xét từ góc độ và địa vị của người bệnh (hoặc thân chủ).

Thân chủ không "nhìn thấy" những học thuyết và lý luận của nhà trị liệu, mà "nhìn vào" hành vi và thái độ ứng xử của họ. Vì thế việc "ai là nhà trị liệu" có khi còn quan trọng hơn cả việc nhà trị liệu áp dụng học thuyết nào, phương pháp nào... Nhà trị liệu là người ở vị thế có ảnh hưởng đối với thân chủ, mà nếu không có sự ảnh hưởng này, việc trị liệu sẽ không còn giá trị. Do vậy tâm lý trị liệu có thể được xem là "nghệ thuật tạo sự khích lệ, và kế đó là sử dụng tầm ảnh hưởng của nhà trị liệu lên thân chủ của mình một cách thuần thục" (Michael Franz Basch).

Mặt khác, việc xác định hiệu quả của tâm lý trị liệu khó xác định, mà thay vào đó chỉ có thể xem xét được hiệu năng của nó, tức là việc tâm lý trị liệu tạo khả năng để có thể đạt đến một kết quả mong muốn. Theo Gregory Bateson: tâm lý trị liệu "cung cấp một sự khác biệt để tạo nên một sự khác biệt mới". Nhà tâm lý trị liệu không giúp thay đổi những sự kiện trong thực tế khách quan, mà nhắm đến những thay đổi những gì xảy ra trong thực tại chủ quan của người bệnh hoặc thân chủ. Nói một cách hình tượng thì "nhà trị liệu mang thân chủ đến một điểm, mà ở đó họ không còn cảm thấy tuyệt vọng nữa" (Martin Seligman; 1975).

Nhiều định kiến cho rằng: nhà tâm lý trị liệu thì chữa bệnh cho bệnh nhân bị rối loạn tâm trí, còn các chuyên viên tư vấn (counsellor) giúp tháo gỡ các vấn đề khó khăn trong cuộc sống của thân chủ. Tuy nhiên, cả hai công việc tư vấn và trị liệu tâm lý đều cùng chia sẻ chung những học thuyết, lý luận, kỹ năng và phương pháp. Theo Jessie Bernard (1969), "tư vấn tâm lý giúp con người của thân chủ trở lại hòa hợp với số phận của họ, điều chỉnh bản thân họ khi sống đối mặt với những thất bại và đau khổ. Nhưng nếu những thân chủ ấy có những ứng xử không tuân theo các chuẩn mực hoặc có những rối loạn tâm trí nghiêm trọng, thì việc giúp đỡ những thân chủ ấy sẽ thuộc trách nhiệm của nhà tâm lý trị liệu".

Tâm lý trị liệu không diễn ra như nhiều người suy nghĩ: Đó không hẳn là việc chữa lành một căn bệnh, không phải là sự hướng dẫn của một nhà thông thái, lời chia sẻ giữa hai người bạn thân, cũng không phải là một quá trình học hỏi những kiến thức.

Tâm lý trị liệu không liên quan đến những điều con người suy nghĩ, mà nó diễn ra qua cách suy nghĩ của con người, nó gây chú ý đến cách thức mà con người suy nghĩ. Nó phân biệt rõ giữa những điều con người đang suy nghĩ đến và cách thức thực hiện suy nghĩ ấy. Tâm lý trị liệu ít chú ý đến việc tìm kiến những nguyên nhân, để giải thích những gì con người đang làm, nó quan tâm đến việc khám phá những ý nghĩa từ những gì mà con người đang làm (James Bugental, Ph.D.).

Tâm lý trị liệu liên quan đến cách sống với những tình cảm của con người, liên quan đến những quan điểm được áp dụng trong những mối quan hệ giữa người với người, đến những điều con người muốn đạt đến trong cuộc đời và cách thức mà con người cố gắng đạt đến và nó liên quan đến các động lực giúp con người có thể tìm thấy những tiềm năng thay đổi trong bản thân mỗi người.